Ý TƯỞNG DỊCH VỤ VẬT NUÔI (SNYT36)

Ý TƯỞNG DỊCH VỤ VẬT NUÔI (SNYT36)

Ý TƯỞNG DỊCH VỤ VẬT NUÔI (SNYT36)

14:07 - 10/08/2018

Vật nuôi mang lại nhiều giá trị vật chất và tinh thần cho con người, nên chăng chúng ta nghiên cứu phát triển một mô hình làm dịch vụ về vật nuôi phục vụ cho những người nuôi chơi (nuôi làm cảnh) và nuôi thật (nuôi kinh doanh), bởi không phải ai gia nhập lĩnh vực này cũng đủ kiến thức, kĩ thuật … cần thiết?

Ý TƯỞNG KHU VUI CHƠI GIẢI TRÍ (SNYT 1)
Ý TƯỞNG ẨM THỰC KIỂU MỚI (SNYT 2)
Ý TƯỞNG DỊCH VỤ QUẢNG CÁO (SNYT 3)
Ý TƯỞNG THIẾT KẾ CẢNH QUAN (SNYT 4)
Ý TƯỞNG CHUỖI ẨM THỰC NHANH (SNYT 5)
Ý tưởng dịch vụ vật nuôi (SNYT 36)

VÀI NÉT SƠ LƯỢC VỀ Ý TƯỞNG

Vật nuôi mang lại nhiều giá trị vật chất và tinh thần cho con người, nên chăng chúng ta nghiên cứu phát triển một mô hình làm dịch vụ về vật nuôi phục vụ cho những người nuôi chơi (nuôi làm cảnh) và nuôi thật (nuôi kinh doanh), bởi không phải ai gia nhập lĩnh vực này cũng đủ kiến thức, kĩ thuật … cần thiết? Ý tưởng này mở ra cơ hội vô cùng to lớn cho người thực hiện và người thụ hưởng, nó góp phần đưa ngành chăn nuôi của nước ta lên một tầm cao mới.

Bạn có thể khai thác những khía cạnh nào ở ý tưởng này:

+ Bạn có thể cung cấp những kiến thức, kĩ thuật … cho người nuôi. Hầu hết những người gia nhập lĩnh vực này đều thiếu kiến thức, kĩ thuật …, đây là điều kiện tiên quyết để họ đạt được mục đích của mình. Khi phát triển dịch vụ này bạn cần am hiểu cách thức, qui trình … nuôi các con vật; do đó, bạn cần liên tục tìm hiểu, nghiên cứu và hợp tác với những người có chuyên môn.

+ Bạn có thể cung cấp những vật dụng, dụng cụ, máy móc … cho người nuôi. Hiện nay, vật dụng, dụng cụ, máy móc … trên thị trường rất đa dạng, nhưng bạn nên chọn lọc những vật dụng, dụng cụ, máy móc … tốt để kinh doanh. Ngoài ra, bạn nên nghiên cứu chế tạo thêm một số vật dụng, dụng cụ, máy móc … độc đáo hoặc chưa có để làm phong phú mặt hàng của mình.

+ Bạn có thể cung cấp những loại thức ăn cho vật nuôi. Kênh cung cấp thức ăn cho vật nuôi là kênh hái ra tiền, nhưng để thành công cần có tầm nhìn, sáng tạo, và kĩ thuật … Việt Nam có điều kiện để phát triển tốt hướng đi này, nếu không chịu làm từ gốc mà chỉ nhập thức ăn cho vật nuôi từ nước ngoài về bán thì bạn sẽ góp phần làm nước nhà đi xuống.

+ Bạn có thể cung cấp con giống. Để cho ra những con giống chất lượng cao đòi hỏi phải am hiểu kĩ thuật, tuân thủ qui trình … Hiện nay Việt Nam chưa làm tốt khâu này, còn phụ thuộc nguồn cung con giống từ nước ngoài, nếu bạn có tham vọng hãy xây dựng những nền tảng biến Việt Nam thành nước sản xuất con giống hàng đầu, có như vậy nông nghiệp Việt Nam mới phát triển vững mạnh.

+ Bạn có thể cung cấp những loại hình dịch vụ như: Chữa trị, tiêm phòng, chăm sóc, làm đẹp (tỉa lông, cắt móng …), huấn luyện, mua bán … Có hàng ngàn dịch vụ có thể cung cấp cho người nuôi, vật nuôi. Bạn chú ý khai thác mảng này để tạo nguồn thu cho mô hình.

Chị Hồng Hạnh, chủ một doanh nghiệp nhựa ở Bình Tân, có nuôi hai chú chó Nga. Giống chó này khi về Việt Nam thường hay bệnh, nên chị thuê riêng một bác sĩ thú y thường xuyên tới chăm sóc, kiểm tra và tiêm thuốc nếu cần. Mỗi tháng, chi phí để chăm hai chú chó này cũng lên tới 1,5 triệu đồng. “Chi phí cũng cao nhưng tôi coi chúng như thành viên trong gia đình nên không nỡ để chúng bệnh. Mặt khác, hai chú chó cũng đảm bảo an ninh cho gia đình nên chi phí nuôi và chăm sóc chúng cũng thỏa đáng”.

Tại Việt Nam, các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc thú cưng cũng ăn nên làm ra dù chưa có một con số thống kê cụ thể. Không quá khó để tìm thấy các sản phẩm từ thức ăn, túi vận chuyển, sữa tắm, quần áo, nệm vòm, vòng cổ … đến vật dụng ăn uống, đồ chơi dành riêng cho thú cưng tại các siêu thị lớn, cửa hàng, siêu thị chuyên cung cấp sản phẩm cho thú cưng như petcity, BB petshop … Khoảng cách giữa sản phẩm và dịch vụ dành cho thú cưng và sản phẩm, dịch vụ dành cho con người ngày càng được thu hẹp. Chủ nhân của thú cưng ngày càng trở nên khó tính hơn, họ không chịu mua những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn hay sử dụng những dịch vụ chất lượng kém cho vật cưng của họ.

Theo khảo sát, 40% người Việt thường trang bị quần áo để mặc cho những chú chó của họ và yêu thương chúng đến mức nhiều người còn nhớ và tổ chức sinh nhật cho những người bạn bé bỏng và trung thành này. “Vợ chồng tôi về hưu rồi, con cái trưởng thành đều xa nhà. Ở nhà, tôi chỉ bầu bạn với con mèo này, nên dành nhiều tình cảm cho nó”, bà Phương Lan (Q. Bình Thạnh) giải thích khi mang chú mèo Nga, do con gái tặng, tới Pet Mart để chăm sóc. Bà Lan trả khoảng 250.000 đồng cho mỗi lần tỉa lông, tắm gội sấy, giũa móng … cho chú mèo Nga này.

Khách hàng của những trung tâm này không chỉ có chó, mèo, chim mà còn có sóc, chuột hamster, nhím … Giá dịch vụ tùy gói và tùy độ khó tính của con vật. Chẳng hạn, dịch vụ làm đẹp bao gồm tắm rửa, sấy, chải lông, cắt giũa móng, massage, cạo vôi răng, vệ sinh tai … dao động từ 300.000 đồng đến 3 triệu đồng/lần. Chi phí thăm khám hoặc giữ theo giờ, theo ngày thì khoảng 40.000 – 350.000 đồng, tùy cân nặng, giống loài của thú cưng và yêu cầu của chủ, tùy thời điểm có rơi vào ngày lễ, Tết hay không. Các loại hình dịch vụ y tế, phòng khám, spa, khách sạn cho chó mèo hay các trung tâm chăm sóc thú cưng thi nhau mọc lên ở nhiều quận huyện trong thành phố thay vì chỉ tập trung ở trung tâm như trước đây. Có thể kể đến: Dịch vụ chăm sóc thú cưng (quận 8), Animal Doctors International, Saigon Pet Clinic (Thảo Điền, quận 2), PetXinh, PetMart, Petcare An Việt, Love Pets (quận 4), New pet hospital & spa, thuypetpro …

Trên thế giới, những chú chó, mèo, vật nuôi được coi là những người bạn đồng hành mang lại niềm vui và sự hỗ trợ về tinh thần cho người nuôi. Vì thế, chủ nhân của những vật nuôi này không tiếc tiền chăm sóc những người bạn bốn chân. Nhu cầu chăm sóc cho vật nuôi trong gia đình phút chốc nở phình, trở thành thị trường hấp dẫn. Đặc biệt hơn, ngành dịch vụ này ít chịu ảnh hưởng từ suy thoái hay khủng hoảng kinh tế. Trong đó, ăn nên làm ra nhất là các mảng dịch vụ sản xuất, cung cấp thức ăn, khám sức khỏe, kinh doanh đồ chơi cho chó mèo, dịch vụ trông nom hàng ngày …

Chi tiêu cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thú cưng tại Mĩ đã tăng từ 13,7 tỉ USD năm 2012 lên gần 16 tỉ USD trong năm 2017. Chi tiêu cho các dịch vụ liên quan đến thú nuôi ở Trung Quốc là khoảng 14,2 tỉ USD, ở Hàn Quốc là 3 tỉ USD vào năm 2015 và dự báo sẽ lên đến 5 tỉ USD vào năm 2020. Theo khảo sát của Euro Monitor, tại thị trường châu Á, trung bình mỗi năm người dân tốn khoảng 100 tỉ USD để mua thực phẩm và các vật phẩm cũng như làm đẹp cho thú cưng. Thị trường Đông Nam Á cũng khá nóng bỏng khi ước tính doanh thu đạt hơn 1 tỉ USD vào năm 2016.

Các công ty Mĩ, từ Procter & Gamble và Nestlé tới các thương hiệu thời trang như Polo Ralph Lauren và hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ khác đang chớp lấy cơ hội trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh sản phẩm cho thú cưng vốn đang tăng trưởng mạnh và đầy lợi nhuận. Theo nghiên cứu của công ty Nghiên cứu Thị trường IDTechEx, đến 2019, thị trường vật dụng cho thú cưng sẽ chạm mốc 2,6 tỉ USD.

Cách đây vài năm, du khách Việt Nam sẽ rất ngỡ ngàng khi thấy tại Hồng Kông có các tiệm thời trang dành cho thú cưng. Người ta có thể đặt mua, thậm chí là đặt may những bộ quần áo theo thời tiết dành cho những chú chó, mèo. Nhưng nay, dịch vụ này cũng đã có tại Việt Nam với đủ các dịch vụ rất đa dạng. Bạn có thể ghé PetCity, Pet Fashion để mua sắm các bộ quần áo, phụ kiện, từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng để cùng diện thời trang xuống phố với chú cún của mình.

Chưa hết, các chuyên gia kinh tế dự báo, cùng với sự đi lên của thế hệ Y (những người ở độ tuổi 20 – 30), dịch vụ thương mại điện tử, đồ dùng công nghệ ăn theo thú cưng sẽ tiếp tục mang về nhiều lợi nhuận trong tương lai. Theo số liệu của CB Insights, từ năm 2012 đến năm 2016, 486 triệu USD đã được đổ vào chỉ riêng mảng công nghệ dành cho vật nuôi.

Quay trở lại Việt Nam, nhiều nhà sản xuất thức ăn thú cưng nước ngoài như Invivo NSA, Smart Heart, Royal Canin … đang tập trung vào việc xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm thức ăn vật nuôi của họ tại Việt Nam để cải thiện hoạt động bán hàng qua các nhà bán lẻ và phòng mạch thú y đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Hiện nay, với nhiều gia đình có điều kiện, việc bỏ ra một khoản tiền vài triệu đồng để chăm sóc, gởi thú cưng không phải là vấn đề lớn, cho nên với nhiều nhân viên đây là một áp lực không hề nhỏ.

Đổi lại, nhiều cửa hàng, trung tâm cũng yêu cầu chủ hoàn thiện nhiều điều kiện để đảm bảo sức khỏe cho thú cưng. Chỉ cần một cú nhấp chuột, bạn có thể tìm thấy tại Hà Nội và TP.HCM, mỗi thành phố có khoảng trên 30 trung tâm dịch vụ dành riêng cho thú cưng, từ bình dân đến sang trọng, từ website đến quảng cáo qua mạng xã hội, chưa tính các bệnh viện thú y. Con số này trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Loại hình dịch vụ thuê người dẫn thú cưng đi dạo hoặc tắm rửa tại nhà riêng cũng bùng nổ và rất ăn khách.

…………………

Chăn nuôi heo theo qui mô gia đình là phổ biến ở Quảng Nam. Do người chăn nuôi chưa đầu tư đúng mức, công tác thú y chưa được quan tâm và thực hiện đầy đủ, nên dễ bị thiệt hại, rủi ro, giá trị thu nhập thấp so với tiềm năng. Thêm nữa, những năm gần đây dịch bệnh trên gia súc gia cầm xảy ra thường xuyên, trong khi lịch tiêm phòng của nhà nước chỉ được tiến hành 2 lần/năm; lực lượng thú y nhà nước rất mỏng và còn yếu, khi có dịch bệnh xảy ra, rất khó liên hệ và điều trị kịp thời. Vì vậy, người chăn nuôi cần có một dịch vụ vừa tiêm phòng, vừa điều trị bệnh cho gia súc gia cầm thì mới có thể an tâm đầu tư cho phát triển chăn nuôi.

Tuy người chăn nuôi có nhu cầu về dịch vụ, nhưng do đặc thù của họ là không có sẵn tiền mặt, nên cần có người cung ứng dịch vụ bằng cách trả góp, trả chậm. Xuất phát từ thực trạng, nhu cầu ấy, anh Nguyễn Tiến – cán bộ thú y của xã Tiên Sơn (Tiên Phước) đã mạnh dạn mở “dịch vụ chăm sóc heo” theo hình thức: Dịch vụ thú y trọn gói. Việc hình thành dịch vụ của anh Tiến được đông đảo bà con nông dân đồng tình hưởng ứng. Các cấp chính quyền, các ban, ngành liên quan ở địa phương thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động.

Mặc dù nhu cầu trong vùng rất nhiều nhưng để ổn định, bước đầu anh Tiến chỉ làm dịch vụ đối với chăn nuôi heo về: Tiêm phòng vắc xin phó thương hàn, tụ huyết trùng, dịch tả cho heo mẹ; tẩy giun sán, tiêm thuốc bổ định kì cho heo; thụ tinh nhân tạo khi heo mẹ động dục; bổ sung canxi phòng bại liệt cho heo mẹ; tiêm sắt cho đàn heo con; tiêm vắc xin phó thương hàn, tụ huyết trùng, dịch tả cho heo con trước khi xuất bán; thiến, hoạn heo; tẩy giun sán cho heo con; phun thuốc tiêu độc chuồng trại theo định kì … Ngoài ra còn điều trị các trường hợp bị bệnh đến khi xuất bán. Bên cạnh đó, anh Tiến còn hướng dẫn nông dân nhiều kĩ thuật xây dựng chuồng trại, chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng và đặc biệt là phương pháp pha trộn, chế biến thức ăn, hướng dẫn khẩu phần ăn, phương pháp cho ăn thức ăn sống …

Giá đầu tư cho một hợp đồng cung cấp dịch vụ rất phải chăng: Đối với heo nái sinh sản là 140.000 đồng/con, được chăm sóc từ khâu thụ tinh nhân tạo cho heo mẹ cho đến khi xuất bán heo con mới trả tiền; Đối với heo nuôi thịt giá mỗi hợp đồng dịch vụ là 40.000 đồng/con từ khi kí hợp đồng cho đến khi xuất bán. Theo anh Tiến, với giá này anh chỉ lấy công làm lãi vì phải thường xuyên đi lại để theo dõi tình hình sức khỏe của heo, cộng với tiền thuốc thú y, thuốc sát trùng chuồng trại, tiền các loại vắc xin rất nhiều, đó là chưa kể những trường hợp trong quá trình chăm sóc nếu gặp rủi ro gia súc bị chết thì chủ dịch vụ cũng phải gánh một phần thiệt hại với người chăn nuôi.

Dịch vụ này tuy hoàn toàn mới ở một xã còn nhiều khó khăn như Tiên Sơn, nhưng được người nông dân chấp nhận và từng bước phát triển rộng. Hiệu quả thấy rõ là nâng cao tỉ lệ tiêm phòng vắc xin phòng bệnh, hạn chế dịch bệnh xảy ra, góp phần tạo ra con giống và sản phẩm thịt chất lượng tốt; tạo thói quen cho người dân trong việc áp dụng khoa học kĩ thuật vào chăn nuôi. Người nông dân được tư vấn miễn phí tại nhà về kĩ thuật chọn giống, xây dựng chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng, chế biến thức ăn, được sử dụng dịch vụ thú y đến khi xuất bán mới trả phí. Tác động lớn hơn của loại hình dịch vụ này là tạo mối liên kết giữa người chăn nuôi và cán bộ thú y, đảm bảo tính lâu dài, bền vững, tạo động lực cho nông dân an tâm mở rộng đầu tư phát triển chăn nuôi heo để tăng thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng cho người nông dân. Nhờ “dịch vụ thú y trọn gói” mà những năm gần đây địa bàn xã Tiên Sơn ít xảy ra dịch bệnh trên gia súc, tỉ lệ tiêm phòng luôn đạt cao hơn so với 15 xã, thị trấn trong huyện.

Thiết nghĩ đây là một cách làm hay và hiệu quả, các cấp các ngành liên quan nên tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm như anh Tiến để nhân rộng mô hình ra trên địa bàn toàn tỉnh nhằm giúp bà con nông dân an tâm mạnh dạn đầu tư cho chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Cũng theo anh Tiến, mới đây, tổ chức Tầm nhìn thế giới, và tổ chức Phát triển quốc tế (IDE) đã tiếp cận, nghiên cứu mô hình “dịch vụ thú y trọn gói”, để tài trợ tuyên truyền, nhân rộng mô hình này ra 5 xã: Tiên Mỹ, Tiên Phong, Tiên Thọ, Tiên Lộc, Tiên Sơn trong huyện Tiên Phước.

……………

NHỮNG LƯU Ý TRƯỚC KHI THỰC HIỆN

+ Để thành công bạn cần chuẩn bị kĩ càng trước khi khởi nghiệp. Một trong những công việc bạn cần đầu tư kĩ lưỡng, bài bản là bản kế hoạch kinh doanh. Không có kế hoạch trước khi làm bất cứ điều gì bạn cũng khó thu lại kết quả cao. Khi bắt tay vào hoàn thiện bản kế hoạch kinh doanh của mình, bạn cần phải:

  • Liệt kê cụ thể những đối thủ cạnh tranh ở nơi bạn kinh doanh. Đó là những đối tượng cụ thể nào? Lập bảng so sánh điểm mạnh, điểm yếu của họ so với mô hình kinh doanh của bạn, để từ đó hoạch định ra sách lược đánh bại họ.
  • Liệt kê cụ thể những nhà cung cấp và những thông tin liên quan đến họ (ở đâu, cung cấp gì, kĩ thuật sản xuất ra sao, tiêu chuẩn chất lượng thế nào …?).
  • Lên danh sách tuyển dụng những người phù hợp.
  • Lên danh sách những nguồn lực tài chính. Chúng hiện có bao nhiêu? Và cách để huy động chúng? …
  • Lên danh sách những nguồn lực. Chúng là gì? Có bao nhiêu? Hiện trạng thế nào? …
  • Bạn cần soạn ra chính sách, lập ra sơ đồ quản lí nhân viên.
  • Bạn cần soạn ra chính sách đãi ngộ nhân viên. Lương? Ngoài giờ? Phụ cấp? Thưởng? Hỗ trợ? Phải thật cụ thể.
  • Bạn cần soạn ra những qui định làm việc: Giờ giấc? Đồng phục? Trang thiết bị? Thậm chí soạn cả những qui định chi tiết trong từng công việc cụ thể.

+ Chú trọng xây dựng thương hiệu ngay từ đầu. Xây dựng thương hiệu ở đây phải hiểu là xây dựng hình ảnh tổ chức từ những điều nhỏ nhất. Xây dựng thương hiệu phải gắn liền với xây dựng văn hóa tổ chức. Khi xây dựng thương hiệu, bạn phải làm cho khách hàng nhận ra bạn là ai, thế mạnh của bạn là gì (bạn đem lại lợi ích gì cho khách hàng mà những đối thủ khác không bằng bạn). Nói chung, bạn phải làm nổi bật thương hiệu của bạn trong tâm trí khách hàng ở những “điểm nhấn” do chính bạn tạo ra. Bạn nên định vị thương hiệu dựa vào những gợi ý dưới đây:

  • Sản phẩm/dịch vụ của bạn đem đến cho khách hàng lợi ích gì?
  • Bạn phục vụ khách hàng như thế nào?
  • Khách hàng cảm nhận được điều gì khi đến với bạn?

+ Để giảm chi phí, tôi khuyến khích bạn phát huy thế mạnh từ những gì mình có; tìm những giải pháp tiết kiệm mọi thứ ngay từ đầu.

+ Chú ý kết nối với nhiều cá nhân, tổ chức để lấy đơn hàng. Bạn cũng nên dành nhiều ưu đãi cho khách hàng sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn nhiều lần.

+ Theo thời gian các yếu tố như nhu cầu, tâm lí … của khách hàng thay đổi, bạn cần biết thay đổi cho phù hợp. Luôn luôn nghiên cứu phát triển thì sự nghiệp của bạn mới trường tồn.

+ Phải hiểu rõ nguồn lực của mình, đặt ra mục tiêu rõ ràng mà mình có thể đạt được, sau đó phân bổ nguồn lực của mình vào từng công việc cụ thể một cách hợp lí.

+ Để mô hình kinh doanh phát triển, ngay từ đầu phải chuẩn hóa tất cả các công việc, như là:

  • Chuẩn hóa sản phẩm. Ví dụ, các sản phẩm phải đạt những tiêu chuẩn nào? Các tiêu chuẩn đó nếu được các tổ chức uy tín chứng nhận thì càng tốt. Sau đó công bố các tiêu chuẩn này ra công chúng.
  • Chuẩn hóa dịch vụ. Ví dụ, phong cách, thái độ, cư xử, hành động … của nhân viên ở từng trường hợp cụ thể như thế nào. Không chuẩn hóa được dịch vụ sẽ không thể đảm bảo được chất lượng dịch vụ khi qui mô tổ chức ngày càng phát triển lớn mạnh.

Ngoài ra, còn phải chuẩn hóa tất cả công việc có liên quan đến mô hình kinh doanh này.

+ Tạo những nền tảng vững chắc ngay từ đầu để tổ chức phát triển lâu dài. Ví dụ:

  • Tìm kiếm, tạo ra nguồn nhân lực tốt nhất.
  • Tìm kiếm, tạo ra nguồn nguyên liệu, cơ sở vật chất … tốt nhất phục vụ mô hình kinh doanh. Kết nối mọi người (từ người bình thường đến người xuất sắc) để mô hình kinh doanh phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra còn tăng cường đầu tư ngoài ngành để tài chính vững chắc.
  • Tìm kiếm, nghiên cứu, đầu tư vào nhân tài, công nghệ, sản phẩm, dịch vụ để luôn là người dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình.

+ Không phát triển ồ ạt mà chọn ra những “đại biểu” rồi tập trung vào phát triển chúng đạt đến mức độ nào đó mới chọn tiếp những “đại biểu” khác. Cách làm này sẽ giúp tổ chức vừa tinh nhuệ vừa tài hoa.

+ Đặt ra chỉ tiêu, lập ra kế hoạch, đưa ra phương pháp, hoạch định chiến lược, chuẩn bị nguồn lực, đầu tư kĩ càng … trước khi bán hàng. Chú trọng tìm kiếm, bồi dưỡng, đãi ngộ … đội ngũ bán hàng để tổ chức ngày càng phát triển. Nếu có thể hãy nghiên cứu viết ra các ứng dụng giúp cho việc bán hàng và mua hàng trở nên tiện lợi, nhanh chóng … hơn.

+ Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh của tổ chức. Phải coi trọng hoạt động quảng bá và phải quảng bá tích cực, thường xuyên. Bên cạnh đó, bạn còn phải liên tục áp dụng các chương trình khuyến mãi. Làm sao để tổ chức của bạn có thể phục vụ được nhiều người là bạn thành công.

+ Trong buổi đầu khởi nghiệp bạn chú ý áp dụng 3 chính sách sau:

  • Tập trung phục vụ tốt khách hàng ở nơi kinh doanh.
  • Ưu tiên phát triển những sản phẩm/dịch vụ có thể phục vụ tốt nhu cầu nhiều đối tượng, sau đó mới phát triển những sản phẩm/dịch vụ chuyên biệt.
  • Phát triển đội ngũ bán hàng trực tiếp tấn công thị trường.

+ Để có thể trả lời được câu hỏi “Ngân sách marketing bao nhiêu?”, bạn cần phải liệt kê chi tiết mọi thứ, sau đó phân tích kĩ lưỡng trước khi quyết định. Trách nhiệm này thuộc về người đứng đầu doanh nghiệp.

Chủ doanh nghiệp giỏi sẽ trả lời được những câu hỏi:

  • Cần chi ở đâu? Hãy xác định những “điểm chi” hiệu quả và chỉ chi cho những “điểm chi” đó! Thậm chí tìm ra cách để không phải chi.
  • Chi bao nhiêu?
  • Chi như thế nào (lập kế hoạch chi)?

+ Dựa vào sách lược marketing đưa ra, bạn bắt đầu lên kế hoạch marketing cụ thể. Đầu tiên doanh nghiệp làm gì, sau đó làm gì nữa, chi phí cho những công việc ấy bao nhiêu …?

Marketing về cái gì? Ở đâu? Ra sao? Ba nguyên tắc cơ bản cần nắm trước khi lập một kế hoạch marketing là: Segment (phân loại khách hàng); Target (chọn khách hàng mục tiêu); Position (định vị thương hiệu của bạn trong tâm trí khách hàng). Khách hàng phải là điểm xuất phát đồng thời là điểm cuối cùng của mọi hoạt động marketing.

Nên lập kế hoạch marketing dựa theo 4P (Product (sản phẩm), Price (giá cả), Place (địa điểm), Promotion (xúc tiến)). Sản phẩm/dịch vụ là cái bạn định đem bán. Nó như thế nào? Giá cả là số tiền bạn mong muốn khách hàng trả khi mua sản phẩm/dịch vụ của bạn. Để định giá sản phẩm/dịch vụ bạn phải nắm được nhiều vấn đề, trong đó có 3 vấn đề cơ bản là chi phí bạn phải bỏ ra, mức giá khách hàng chấp nhận, giá bán của các đối thủ. Giá bán sản phẩm/dịch vụ của bạn có cạnh tranh nổi với giá bán sản phẩm/dịch vụ của các đối thủ? Tại sao họ bán giá rẻ hay đắt hơn bạn? Địa điểm là nơi diễn ra hoạt động kinh doanh. Liệu địa điểm diễn ra hoạt động kinh doanh có đem lại hiệu quả kinh doanh như mong đợi? Nếu khách hàng ở xa thì bạn có phục vụ họ hay không? Xúc tiến là hoạt động lôi kéo khách hàng mua hàng của bạn. Bạn có những hoạt động xúc tiến nào để lôi kéo khách hàng?

+ Bạn hãy lên kế hoạch bán hàng dựa vào những câu hỏi dưới đây:

  • Mục tiêu của bạn là gì?
  • Bạn sẽ triển khai bao nhiêu kênh bán hàng, điểm … bán hàng? Ví dụ: Mở cửa hàng, mở điểm bán, lập trang web …
  • Những kênh bán hàng đó được triển khai cụ thể ra sao? Ví dụ: Làm cái gì? Tuyển những ai? Đào tạo ra sao? …
  • Trong thời gian bao lâu (đưa ra các mốc thời gian cụ thể cho từng công việc cụ thể)?
  • Chi phí để triển khai các công việc cụ thể?
  • Những hoạt động hỗ trợ bán hàng?
  • Cách thức phòng ngừa rủi ro?

+ Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho những người khởi nghiệp thất bại là không quản lí tài chính chặt chẽ. Muốn quản lí tài chính chặt chẽ bạn phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Trước khi chi tiêu bạn phải lập ra kế hoạch chi tiêu. Trong kế hoạch chi tiêu bạn phải trả lời được các câu hỏi: Chi tiêu vào cái gì? Tại sao lại chi tiêu vào cái đó? Có cách nào để không chi tiêu vào cái đó mà vẫn đạt được mục tiêu hay không? Nếu phải chi tiêu vào cái đó thì cách thức chi tiêu nào là tối ưu? Làm sao chi tiêu không gặp rủi ro, thu hồi được vốn và sinh lợi? Chi lúc nào? Chi bao nhiêu?
  • Khi đồng tiền chạy đến tay bạn phải lập ra kế hoạch quản lí đồng tiền sao cho không thất thoát. Trong kế hoạch quản lí đồng tiền bạn phải trả lời được các câu hỏi: Tại sao phải quản lí đồng tiền? Quản lí đồng tiền như thế nào, bằng phương pháp nào? Làm sao để quản lí đồng tiền không gặp rủi ro?
  • Cuối cùng, bạn phải có kế hoạch tái đầu tư đồng tiền sao cho hiệu quả. Bạn phải lập ra kế hoạch đầu tư đồng tiền. Trong kế hoạch đầu tư đồng tiền bạn phải trả lời được các câu hỏi: Đầu tư vào cái gì? Tại sao lại đầu tư vào cái đó (nếu đầu tư vào cái đó mà không đem lại hiệu quả sẽ không đầu tư nữa)? Làm sao đầu tư không gặp rủi ro, thu hồi được vốn và sinh lợi tối ưu? Đầu tư lúc nào? Đầu tư bao nhiêu?

>> Xem thêm:
1) Ý tưởng thức ăn cho vật nuôi

*Bạn nào quan tâm đến Ý tưởng này, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ email: contact@anastar.vn | anastar1512@gmail.com hoặc số điện thoại: 0928.53.80.89 | 0389.35.79.85 để biết thêm chi tiết! Hoặc cách khác, bạn cũng có thể gửi câu hỏi / yêu cầu cụ thể qua Bản đăng kí sau đây: http://bit.ly/TuVanKhoiNghiep

Chúc các bạn những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống!

BÌNH LUẬN BẰNG MAIL

BÌNH LUẬN FACEBOOK