Ý TƯỞNG CỬA HÀNG TẠP HÓA (SNYT 20)

Ý TƯỞNG CỬA HÀNG TẠP HÓA (SNYT 20)

Ý TƯỞNG CỬA HÀNG TẠP HÓA (SNYT 20)

15:15 - 07/03/2018

Nếu bạn có mặt bằng thuận lợi, số vốn kha khá cộng với đam mê lĩnh vực bán lẻ thì hãy nghĩ đến chuyện khởi nghiệp với mô hình này!

Ý TƯỞNG KHU VUI CHƠI GIẢI TRÍ (SNYT 1)
Ý TƯỞNG ẨM THỰC KIỂU MỚI (SNYT 2)
Ý TƯỞNG DỊCH VỤ QUẢNG CÁO (SNYT 3)
Ý TƯỞNG THIẾT KẾ CẢNH QUAN (SNYT 4)
Ý TƯỞNG CHUỖI ẨM THỰC NHANH (SNYT 5)
Mô hình kinh doanh cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini quy mô nhỏ

VÀI NÉT SƠ LƯỢC VỀ Ý TƯỞNG

Nếu bạn có mặt bằng thuận lợi, số vốn kha khá cộng với đam mê lĩnh vực bán lẻ thì hãy nghĩ đến chuyện khởi nghiệp với mô hình này!

Tôi thấy đa số người mở cửa hàng tạp hóa chỉ để kiếm sống qua ngày mặc dù hướng đi này rất tiềm năng. Nguyên nhân do họ chưa có cách làm bài bản, khoa học, sáng tạo … Họ trưng bày hàng hóa tứ lung tung; họ quản lí hàng, tiền theo cảm tính … (chẳng có phương pháp quản lí cũng như bán hàng hiệu quả). Nhiều hàng hóa hết hạn chủ cửa hàng cũng không hề hay biết cứ bán cho khách. Để như vậy hàng hóa mất trộm, hư hỏng … làm sao mà biết? Hoặc họ chạy đi mua từng chút hàng, hoặc họ thụ động ngồi đó để người ta tới bỏ hàng cho họ. Họ chẳng biết thành lập “trụ sở điều hành” để phát triển chuỗi cửa hàng tạp hóa cũng như bỏ hàng cho những cửa hàng tạp hóa (của họ và của người khác). Họ chẳng hề biết kết hợp giữa bán hàng trực tiếp và bán hàng gián tiếp, bán lẻ và bán sỉ … Còn thương mại điện tử thì mù tịt … Làm ăn như thế khó mà tiến lên! Bạn hãy mở cửa hàng tạp hóa nhưng đừng mở cửa hàng tạp hóa giống như mô hình mà dân ta đang kinh doanh. Đó là lối kinh doanh tạm bợ, qua ngày. Không phải mô hình giúp bạn giàu có nhanh chóng và ghê gớm! Tuy nhiên, bạn cũng đừng mở cửa hàng tiện lợi giống như mô hình mà nước ngoài đang kinh doanh. Cửa hàng tiện lợi đẹp thì có đẹp, kinh doanh cũng bài bản …, nhưng giá cả lại cao quá!

Tôi tạm mô tả về cửa hàng tạp hóa mà tôi đề nghị bạn mở như sau:

- Ban đầu bạn mở trước một cửa hàng tạp hóa tại chính mặt bằng mà bạn không phải tốn chi phí thuê, sau đó nếu kinh doanh thuận lợi bạn sẽ tiến hành mở cửa hàng tạp hóa tiếp theo. Dần dần hình thành chuỗi cửa hàng tạp hóa.

- Cửa hàng tạp hóa được trang trí đơn giản nhưng đẹp mắt. Bạn sẽ tận dụng những nguyên liệu bền chắc (thậm chí bỏ đi) để đóng quầy kệ nhằm tiết giảm chi phí. Nhìn chung, khi bước vào cửa hàng tạp hóa của bạn, khác hàng phải dễ dàng nhận ra đâu là khu vực tính tiền, đâu là khu vực đồ khô, đồ mĩ phẩm …, đồ đông lạnh, đồ tươi sống, đồ chế biến sẵn … Khu vực nào ra khu vực đó để khách hàng tự chọn lựa hàng hoặc bạn có thể lấy hàng cho khách hàng. Khách hàng không phải tốn nhiều thời gian mua sắm do họ chỉ cần vào lấy hàng rồi ra tính tiền hoặc bảo nhân viên bán hàng lấy hàng cho họ. Trong trường hợp nhà khách hàng gần (trong bán kính 5 km) họ có thể đặt hàng qua mạng hoặc điện thoại và nhân viên giao hàng sẽ giao hàng cho họ hoàn toàn miễn phí.

- Khách hàng thường đánh giá và có cảm tình với cửa hàng tạp hóa qua đội ngũ nhân viên. Vì thế, hãy tìm kiếm những nhân viên năng động, có khả năng giải quyết vấn đề để khách hàng hài lòng giúp cửa hàng tạp hóa tăng doanh số bán hàng. Một số tiêu chí quan trọng lựa chọn nhân viên là siêng năng, khỏe mạnh, thật thà, cẩn thận, ngăn nắp, linh hoạt, luôn mỉm cười, ăn nói có duyên, ngoại hình tương đối, hiểu biết về hàng hóa … Bất kể bạn bán cái gì, nhân viên luôn là người hỗ trợ khách hàng tìm được thứ mà họ cần và tư vấn để họ mua hàng. Họ sẽ phải mô tả đặc tính sản phẩm, hướng dẫn cách sử dụng, giới thiệu các loại mẫu mã khác nhau cho khách hàng ... Vì thế, bạn phải thuê những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà bạn kinh doanh - hay chí ít cũng là những người ham học hỏi. Một điều cần lưu ý nữa là không có nguyên tắc bất di bất dịch trong giao tiếp với khách hàng nhằm bán được hàng, chính vì lẽ đó, nhân viên cần phải biết xử lí những tình huống không được dạy trước. Những nhân viên thông minh như thế luôn làm cho cửa hàng đông khách. Không phải nhân viên nào cũng phù hợp với mọi dòng sản phẩm. Một số nhân viên có những kiến thức uyên thâm và kĩ năng đặc biệt về mặt hàng nào đó, nhất là mặt hàng đắt tiền và phức tạp (như mĩ phẩm chẳng hạn). Hãy sử dụng người đúng lúc, đúng nơi để phát huy tối đa hiệu quả công việc. Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên mở lớp huấn luyện, đào tạo hoặc cho nhân viên đi học những khóa nghiệp vụ ngắn hạn bên ngoài để nâng cao trình độ, phẩm chất cho nhân viên. Trong quá trình kinh doanh một nhân viên có thể đảm nhận rất nhiều công việc như đổi/trả/gửi hàng, gói quà, xếp hàng, giao hàng, ghi giá, bài trí … Trong những trường hợp này, sự cẩn thận, khéo léo, gọn gàng và thẩm mĩ … là những điều rất cần thiết. Ngoài ra, nhân viên bán hàng cũng phải nắm rõ các chương trình khuyến mại, giảm giá và phải có khả năng phát hiện, xử lí kẻ gian hay những vi phạm về an ninh, an toàn … Nếu bạn khởi nghiệp với số vốn thấp thì việc thuê nhân viên thời gian ban đầu là không nên, nhưng bạn cũng nên nghĩ đến việc phải thuê mướn người khác từ khi mới manh nha ý định mở cửa hàng tạp hóa, vì không thuê người khác bạn sẽ rất khó phát triển lớn mạnh. Có thể bạn nhờ những người thân trong gia đình trông coi giùm cửa hàng, như vậy bạn có cơ may giảm được số tiền phải trả đáng kể hàng tháng, tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế. Muốn mô hình kinh doanh phát triển bạn phải chấp nhận bỏ ra một số tiền để tuyển được những người thật sự tài giỏi về giúp mình.

Thuê bao nhiêu người thì đủ? Để biết được cửa hàng cần bao nhiêu nhân viên bạn có thể xem xét những yếu tố sau:

. Qui mô: Cửa hàng có qui mô càng lớn càng cần nhiều nhân viên. Với qui mô cửa hàng như thế thì cần khoảng mấy nhân viên thì đủ?

. Sản phẩm/dịch vụ cung cấp: Sản phẩm/dịch vụ càng phức tạp, càng đắt tiền, càng mang tính cá nhân, riêng tư thì càng cần nhiều nhân viên.

. Số giờ mở cửa: Thời gian hoạt động dự tính của chuỗi cửa hàng tạp hóa là 6:00 – 24:00. Như vậy tối thiểu bạn cần hai nhân viên để thay ca nhau. Một người làm từ sáng đến chiều, một người làm từ chiều đến tối.

. Đặc thù kinh doanh: Một số cửa hàng tạp hóa sẽ đông khách vào các ngày cuối tuần, do đó bạn có thể tuyển thêm cộng tác viên.

. Lượng hàng bán ra: Lượng hàng bán ra càng lớn thì càng cần nhiều nhân viên. Tuy nhiên, như trên đã đề cập, cần phải xem xét mật độ mua hàng nữa (bán ra nhiều nhưng không đều thì chỉ bố trí nhân viên vào lúc đông khách thôi).

- Một số cách thức quản lí, bán hàng giống cửa hàng tiện lợi (của nước ngoài), nhưng một số cách thức không giống để tiết kiệm chi phí. Ví dụ, thời gian hoạt động của cửa hàng trong hẻm sẽ từ 6h – 24h. Với khung thời gian này khách hàng hoàn toàn có thể mua sắm thoải mái nên không cần thiết phải mở cửa 24/24.

- Có chỗ để xe cho khách hàng, nhưng không cần người trông coi mà sẽ có cách thức để khách hàng không mất xe.

- Vị trí đặt cửa hàng tạp hóa thường nằm trong hẻm rộng, đường nhỏ để phục vụ cho dân cư quanh khu vực nó tọa lạc, chứ không nằm ở đường lớn để đón khách vãng lai như siêu thị, cửa hàng tiện lợi … Do được đặt trong khu dân cư (bám sát khách hàng tiềm năng) nên cửa hàng tạp hóa rất thuận tiện cho người dân mua sắm, nhất là khi họ chỉ cần mua vài món hàng.

- Chủng loại sản phẩm/dịch vụ mà bạn định bán/phục vụ khách hàng sẽ làm nên sự khác biệt giữa cửa hàng tạp hóa của bạn với những cửa hàng tạp hóa khác. Mục đích tham gia bán lẻ là để đáp ứng những nhu cầu cụ thể chưa được đáp ứng của khách hàng. Vì thế, bạn hãy tập trung vào mục tiêu đó, đừng để nỗ lực của bạn tiêu tan vì nhập kho những hàng hóa không phù hợp. Lựa bán sản phẩm/dịch vụ cũng đồng nghĩa với định vị doanh nghiệp.

Cửa hàng tạp hóa giống như siêu thị thu nhỏ (trưng đủ thứ hàng hóa nhưng số lượng ít hơn, khách hàng mua số lượng lớn chúng ta sẽ điều hàng từ nơi khác đến). Phương châm bán hàng của chúng ta là: Bán những thứ khách hàng “muốn” chứ không phải bán những thứ họ “cần” (tức là chọn lọc hàng hóa chứ không bán tất cả các hàng hóa, chú trọng tới những nhu cầu cụ thể của khách hàng, phục vụ những lợi ích thiết thực của họ). Chính vì vậy, hàng hóa mà chúng ta lấy để bán tại cửa hàng là hàng hóa chọn lọc về chất lượng, giá cả, hình thức … Chỉ nên nhập những hàng hóa nhu cầu nhiều, đạt chất lượng, giá cả thấp, hình thức đẹp … để làm cho uy tín của doanh nghiệp luôn được nâng cao. Làm tốt công tác truyền thông, marketing và giải quyết bài toán chi phí, phân phối nhằm giảm giá đến mức thấp nhất cho khách hàng. Khi vốn ít, qui mô cửa hàng tạp hóa không cho phép … đừng có tham vọng nhập tất cả các loại hàng.

Jim O., một nhà bán lẻ lão luyện với 20 năm kinh nghiệm trong ngành nghe nhìn ở Thomasville (Mĩ) khẳng định: "Muốn nhập và quản lí hàng hóa tốt, bạn phải thật chuyên tâm với nghề chứ chẳng có công thức nào. Hồi đầu, tôi thường phải hỏi đại diện nhà sản xuất xem những mặt hàng đang được bán là gì và cái nào bán chạy nhất. Còn bây giờ, chúng tôi vào các diễn đàn về công nghệ nghe nhìn và xem mọi người hay bàn tán về cái gì rồi tìm hiểu ngoài thị trường xem người khác đang làm gì. Trong bối cạnh cạnh tranh gay gắt, lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm ngày càng giảm và công nghệ thay đổi liên tục, bạn phải hết sức nhạy bén với thời cuộc. Chân lí này không chỉ áp dụng cho chúng tôi mà còn đúng với tất cả các doanh nghiệp phải nhập hàng khác".

- Khi nhập hàng bạn hãy tuân thủ theo qui trình sau đây:

. Liệt kê hàng hóa cần nhập, đánh số thứ tự theo mức độ quan trọng giảm dần.

. Phân chia ngân sách cho từng loại hàng hóa cần nhập.

. Tìm nguồn cung cấp những loại hàng hóa mà bạn muốn nhập.

. Định giá sao cho hàng hóa mà bạn nhập về có lãi để bạn duy trì cửa hàng nhưng nằm trong mức khách hàng có thể chấp nhận.

Bạn chỉ có một số tiền nhất định nên bạn phải nhập hàng thế nào để đạt được doanh thu cao nhất với số hàng đã mua. Bằng cách xác định nên mua cái gì, số lượng là bao nhiêu, bạn tạo cho mình thói quen lập kế hoạch và chi tiêu hợp lí. Đặc biệt khi gặp phải những người bán hàng biết “câu” khách, những món hàng giá rẻ và ham muốn mua hàng dâng cao, bạn sẽ biết kiềm chế và tập trung cho những ưu tiên của mình. Nhập quá nhiều hàng này, quá ít hàng kia là điều vô cùng nguy hiểm, do vậy, bạn phải xây dựng và thực hiện đúng theo kế hoạch đã đặt ra.

Để mua được hàng giá rẻ bạn phải mua hàng với số lượng nhiều. Khi qui mô chuỗi cửa hàng tạp hóa chưa đủ lớn bạn có thể bắt tay với những cá nhân/tổ chức bên ngoài cùng mua một số lượng hàng nào đó.

- Bạn có thể tìm nguồn hàng bằng những cách sau:

. Đến chợ đầu mối để lấy hàng. Tại đây, bạn có thể lựa chọn nhiều loại hàng hóa với chất lượng, mẫu mã khác nhau, đáp ứng được tối đa nhu cầu hàng hóa của cửa hàng tạp hóa. Giá cả hàng hóa ở chợ đầu mối khá cạnh tranh. Tuy nhiên, hàng hóa ở chợ đầu mối có rất nhiều loại, từ chất lượng đến kém chất lượng, chủ cửa hàng phải đủ hiểu biết và tỉnh táo để chọn được hàng hóa thích hợp nhất.

. Liên hệ trực tiếp nơi làm ra sản phẩm. Thông thường trên bao bì sản phẩm có in địa chỉ nơi làm ra sản phẩm, bạn cứ liên hệ theo địa chỉ đó để mua hàng. Trong trường hợp không mua được trực tiếp từ nơi làm ra sản phẩm vì số lượng mua hàng ít thì bạn cũng có thể mua từ đại lí cấp 1 của tổ chức đó.

. Nếu nơi đặt cửa hàng gần các siêu thị bán buôn thì bạn cũng có thể lấy hàng từ chúng. Với lượng hàng dồi dào, phong phú và giá rẻ, các siêu thị bán buôn có thể cung cấp các sản phẩm chất lượng tốt, đem lại lợi nhuận tương đối cho người kinh doanh cửa hàng tạp hóa. Ngoài ra, siêu thị bán buôn còn có thể vận chuyển hàng đến tận cửa hàng tạp hóa.

. Hiện nay, một số bộ phận người tiêu dùng vẫn ưa chuộng hàng nhập khẩu. Để đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng và làm đa dạng hơn hàng hóa của cửa hàng tạp hóa, việc lựa chọn kênh phân phối hàng từ nước ngoài cũng là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên, chủ cửa hàng tạp hóa cần tìm hiểu kĩ mặt hàng mà mình muốn nhập, nhu cầu của người tiêu dùng về chúng để tránh tính trạng nhập quá nhiều, ứ đọng hàng hóa. Tùy theo điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, chủ cửa hàng tạp hóa có thể trực tiếp đi lấy, lấy qua bên trung gian hoặc đặt hàng trên các trang trực tuyến như: Alibaba, Tmail (Trung Quốc), Amazon, Ebay (Mĩ) hay Gmarket (Hàn Quốc) …

. Ngoài những nơi trên, bạn cũng có thể lấy hàng từ những nhà phân phối thứ cấp nhưng giá cả và dịch vụ tạm ổn. Đây là giải pháp tạm thời khi bạn mua hàng với số lượng ít.

- Cửa hàng tạp hóa sẽ bán hàng chủ yếu thông qua các hình thức: Bán tại cửa hàng; bán qua đặt hàng (tại cửa hàng hoặc trên trang web, điện thoại …), chào mời nơi khác ... Xu hướng chọn hàng qua mạng rồi nhận hàng từ một cửa hàng địa phương khiến các siêu thị lớn dần trở nên ít cần thiết hơn. Chính vì vậy, cần phải đầu tư phát triển mạnh hình thức bán qua đặt hàng và chào mởi nơi khác.

Chúng ta sẽ triển khai hai kênh bán hàng, đó là: Bán sỉ và bán lẻ.

Kênh bán sỉ bao gồm các hoạt động bán hàng sau đây:

. Bán hàng thông qua website, E-mail, chat …

. Bán hàng thông qua các mối quan hệ.

. Bán hàng thông qua việc mở các đại lí phân phối hàng hóa.

. Bán hàng thông qua người giới thiệu.

Kênh bán lẻ bao gồm các hoạt động bán hàng sau đây:

. Bán lẻ thông qua việc thành lập chuỗi cửa hàng.

. Bán lẻ thông qua việc thành lập chuỗi điểm bán.

. Bán lẻ thông qua mạng lưới website: Lợi dụng sự phát triển như vũ bão của internet, bạn nên xây dựng hàng loạt website bán hàng chính thống và không chính thống. Việc bán hàng thông qua website nên chú ý mấy điểm sau:

.. Luôn đầu tư nâng cao nội dung và hình thức website.

.. Luôn quảng bá website thông qua các trang mạng khác hoặc bằng E-mail.

.. Luôn phản hồi thông tin cho khách hàng nhanh chóng, lịch sự, trung thực, chính xác …

.. Luôn chăm sóc khách hàng tốt nhất có thể.

Mạng internet mang lại rất nhiều tiện ích hữu dụng cho người sử dụng, một trong các tiện ích phổ thông của internet là hệ thống thư điện tử (E-mail), trò chuyện trực tuyến (chat), website, công cụ tìm kiếm (search engine), dịch vụ thương mại và chuyển ngân ... Chúng cung cấp một khối lượng thông tin và dịch vụ khổng lồ. Chính vì vậy, việc sử dụng internet để phát triển các kênh bán hàng của mình ngày càng lớn mạnh là điều cần phải làm tốt.

. Bán lẻ thông qua những xe bán hàng di động (có thể là xe đẩy, xe đạp, xe máy hay ô tô, thậm chí là ô tô chở xe đẩy …): Mỗi xe bán hàng di động nên do một nhân viên phụ trách (đừng nhiều nhân viên quá), bán ở một hoặc một số tuyến đường nào đó. Những nhân viên bán hàng di động ngoài nhiệm vụ bán hàng còn kiêm thêm nhiệm vụ tìm đơn hàng sỉ, mở điểm. Khi họ thấy những địa điểm thích hợp, hoặc ai đó muốn hợp tác kinh doanh thì báo cáo cấp trên. Sẽ có những khoản thưởng để ghi nhận đóng góp của họ trong việc phát triển mạng lưới bán hàng.

. Bán lẻ thông qua lập điểm tạm ở khu đất trống: Có thể nói đây là phương thức bán hàng rất linh hoạt. Nó có thể thay đổi nhanh chóng theo sự biến đổi của điều kiện khách quan. Nói cách khác, nó là phương thức bán hàng “đánh nhanh rút gọn”. Như bạn biết, có những điểm tụ tập dân cư một cách tự phát hoặc không bền. Bên cạnh đó, người Việt còn giữ thói quen mua hàng ngoài đường. Chính vì vậy, việc đưa ra phương thức bán hàng thông qua lập điểm tạm ở khu đất trống là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Về lâu dài có thể phương thức này bị hạn chế, nhưng trước mắt nó có thể giúp bạn hốt bạc.

. Bán lẻ thông qua việc mở quán ăn, tiệm ăn, nhà nghỉ … chế biến những thực phẩm từ những nguyên liệu mình cung cấp.

. Bán lẻ thông qua việc gửi E-mail, chat, gọi điện thoại …

. Bán lẻ thông qua đội ngũ chào hàng tiếp cận đến từng người dân, những nhóm tập trung (ở các công ty, nhà máy …).

. Bán lẻ thông qua hội chợ.

. Bán lẻ thông qua các mối quan hệ.

. Bán lẻ thông qua bên thứ ba (giới thiệu).

Sơ đồ thiết lập những kênh phân phối của cửa hàng tạp hóa

1: Bán hàng qua hội chợ

2: Bán hàng qua internet

3: Bán hàng qua điểm bán, điểm tạm

4: Bán hàng thông qua những xe bán hàng di động

5: Bán hàng thông qua mối quan hệ, thông qua người giới thiệu, thông qua đội ngũ chào hàng tiếp cận đến từng người dân, những nhóm tập trung (ở các công ty, nhà máy …)

6: Bán hàng thông qua việc mở quán ăn, tiệm ăn, nhà nghỉ … chế biến những thực phẩm từ những nguyên liệu mình cung cấp

- Hãy xây dựng chính sách định giá nền tảng của bạn: Giá hàng hóa của bạn cao hơn, thấp hơn hay tương đương với giá thị trường? Bạn có thể trả lời được câu hỏi này khi bạn xác định được hình thức bán hàng, hình ảnh thương hiệu mà bạn muốn tạo dựng cũng như lên được kế hoạch kinh doanh.

Việc xác định mức giá có lãi là yếu tố sống còn trong kinh doanh. Tuy nhiên, vì chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua những yếu tố cạnh tranh và đạo đức kinh doanh khi định giá thì cũng không phải là tốt. Kinh doanh một cách thông minh nên là mục tiêu tối thượng chứ không phải là lợi nhuận. Với những mối quan hệ làm ăn chính đáng và chính sách định giá sản phẩm hợp lí, bạn sẽ vừa có lợi nhuận vừa duy trì được công việc kinh doanh của mình.

Khi định giá sản phẩm, bạn cần trả lời những câu hỏi sau:

. Người mua sẵn sàng chấp nhận mức giá nào của sản phẩm/dịch vụ?

. Tương quan về giá của bạn khi so sánh với các đối thủ: Bằng, cao hơn hay thấp hơn?

. Giá mà nhà cung cấp đưa ra như thế nào?

. Tính chất, đặc điểm gì của mặt hàng tác động đến cảm nhận của người mua về chất lượng, giá trị, phong cách, độ bền, độ phong phú, sự sẵn có của bản thân mặt hàng hay của cái gì khác?

Thu hẹp phạm vi lựa chọn chính sách định giá bằng cách cân nhắc thật kĩ những mục tiêu sau:

. Tỉ lệ hoàn vốn: Xây dựng các mức giá bán có tỉ suất hoàn vốn cụ thể.

. Lợi nhuận tối đa: Xây dựng những thang giá bán đem lại mức lãi cao nhất có thể.

. Tăng doanh số: Xây dựng mức giá đem lại doanh thu tăng lên cho cửa hàng ở một mức nhất định.

. Cải thiện dòng tiền: Xây dựng mức giá đem lại doanh thu tiền mặt nhiều hơn trong thời gian ngắn.

Đôi khi việc định giá cũng phải xem xét đến cảm giác của người tiêu dùng. Theo các chuyên gia về giá, đa phần những người tiêu dùng có thu nhập thấp thường cảm thấy tội lỗi khi mua một số món hàng nhất định, đặc biệt là các món hàng không cần thiết. Tuy nhiên, nếu người bán lẻ có “chiêu” để đánh bay cảm giác tội lỗi này thì họ sẽ mua thoải mái hơn. Do đó, hãy có chế độ ưu đãi cho khách mua những sản phẩm đắt tiền. Ví dụ, tặng họ thêm một lượng hàng hóa nào đó khi họ mua đạt một lượng hàng hóa nào đó.

- Chúng ta sẽ triển khai những dịch vụ giống như những nhà bán lẻ khác. Dưới đây là một số dịch vụ bạn có thể tham khảo:

. Gói quà cho khách hàng. Nên gói quà miễn phí cho khách hàng trừ khi khách hàng đòi hỏi chi phí gói quá cao.

. Tặng quà giùm khách hàng. Nhiều khách hàng có nhu cầu nhờ mang quà tặng người thân, bạn bè … Ví dụ như vào các dịp Giáng sinh khách hàng muốn chúng ta hóa trang thành ông già Noel đi phát quà cho con em họ … Hãy phát triển mảng này sao cho làm lợi cho khách hàng nhất.

. Giao hàng cho khách hàng. Dịch vụ này miễn phí, trừ trường hợp khách hàng ở quá xa …

. Nhật đặt hàng qua mạng, điện thoại. Khách hàng đặt hàng trước nhưng khi nhận hàng mới thanh toán.

. Tư vấn mua hàng. Chúng ta sẽ tư vấn mua hàng miễn phí cho khách hàng nếu họ có nhu cầu và liên hệ với chúng ta.

. Bán phiếu quà tặng. Nhiều khách hàng muốn tặng quà người thân, bạn bè … nhưng lại không biết tặng gì và cũng không thích tặng tiền, cho nên phiếu quà tặng là giải pháp hay cho họ.

. Đổi trả hàng. Mua hàng chưa dùng qua có quyền đổi trả trong vòng 3 ngày.

. Chương trình khách hàng thân thiết. Mọi thông tin về khách hàng đều được lưu giữ. Khách hàng nào mua hàng nhiều sẽ có ưu đãi đặc biệt.

. Tiếp thị, quảng cáo cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp muốn khách hàng biết đến sản phẩm/dịch vụ của mình nên muốn tiếp thị, quảng cáo. Đội ngũ bán hàng, giao hàng của chúng ta hàng ngày tiếp cận khách hàng nên sẽ thực hiện nhiệm vụ này vô cùng hiệu quả. Nếu biết cách quảng bá chúng ta sẽ nhận được khá nhiều hợp đồng tiếp thị, quảng cáo cho doanh nghiệp.

. Thu thập thông tin khách hàng. Nhiều doanh nghiệp/cá nhân muốn thu thập thông tin về khách hàng để phục vụ cho công việc của mình. Chúng ta có thể bán thông tin về khách hàng cho họ để tạo nguồn thu.

. Bán card điện thoại.

. Bán thực phẩm chế biến sẵn và nhận gia công chế biến thực phẩm theo yêu cầu của khách hàng.

. Bán vé máy bay, tour du lịch …

. Mua hàng giùm khách hàng. Nghĩa là khách hàng muốn mua hàng gì mà cửa hàng chưa có thì chúng ta có thể mua hàng đó cho khách hàng.

. Hướng dẫn mở cửa hàng tạp hóa hoặc các hình thức kinh doanh khác.

. Bán hàng mang thương hiệu của mình nhưng người khác gia công hoặc mình tự sản xuất (nếu có khả năng và điều kiện). Chúng ta sẽ đặt những tổ chức/cá nhân có uy tín gia công hàng cho chúng ta.

. Nhượng quyền kinh doanh. Nhượng quyền kinh doanh (hay nhượng quyền thương mại) là việc cho phép một cá nhân hay tổ chức (gọi là bên nhận nhượng quyền) được kinh doanh hàng hóa hay dịch vụ, theo hình thức và phương pháp kinh doanh đã được thử thách trong thực tế của bên nhượng quyền ở một điểm, tại một khu vực cụ thể nào đó trong một thời hạn nhất định, để nhận một khoản phí hay một tỉ lệ phần trăm nào đó từ doanh thu hay lợi nhuận. Bên nhượng quyền phải đảm bảo cung cấp đúng, đủ và hỗ trợ thành viên gia nhập hệ thống đó; còn bên nhận nhượng quyền phải đảm bảo thực hiện theo đúng các khuôn mẫu, tiêu chuẩn nghiêm ngặt của hệ thống, từ cách trang trí đến nội dung hàng hóa và dịch vụ, giá cả được chuyển giao. Các tài sản hữu hình và vô hình khác, như quảng cáo, tập huấn quốc tế và quốc nội cũng như các dịch vụ hỗ trợ khác được bên nhượng quyền thực hiện, và trên thực tế có thể được bên nhượng quyền yêu cầu, nói chung là đòi hỏi sổ sách kế toán phải được kiểm toán, buộc bên nhận nhượng quyền phải chấp nhận việc kiểm tra định kì, đột xuất. Nếu qua các đợt kiểm tra này mà không đạt thì các quyền trong nhượng quyền kinh doanh có thể không được gia hạn hay bị hủy bỏ.

Hệ thống kinh doanh kiểu nhượng quyền kinh doanh đảm bảo các thành viên của hệ thống một sự đồng bộ tối đa cả về hình thức và nội dung, cũng như đảm bảo với người tiêu dùng về sự nhận biết hệ thống, các tiêu chuẩn của hàng hóa, dịch vụ được cung cấp bởi một điểm bán bất kì trong hệ thống đó.

Có thể hiểu kinh doanh kiểu nhượng quyền kinh doanh chính là việc bên nhượng quyền cho phép bên nhận nhượng quyền được tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, hay cung ứng dịch vụ theo những điều kiện nhất định đã đề ra, và bên nhận nhượng quyền phải trả cho bên nhượng quyền một khoản phí.

Mô hình nhượng quyền kinh doanh là một trong những mô hình làm giàu căn bản nhất của con người. Mô hình này được nhắc đến trong bộ sách "Rich dad, poor dad - Cha giàu, cha nghèo" bán khá chạy tại Việt Nam dưới tên "Dạy con làm giàu".

Tại Việt Nam, có một số hiếm hoi các thương hiệu đang được nhượng quyền kinh doanh thành công, bao gồm: Hệ Thống nhà hàng Lẩu Tươi Mk, Texas Chicken, Carl's Jr, Gà rán Kentucky (KFC), Phở 24, hệ thống đồ ăn nhanh Lotteria …

Một vài hệ thống khác vốn mong muốn trở thành hệ thống kinh doanh kiểu nhượng quyền kinh doanh như cà phê Trung Nguyên, chuỗi cửa hàng G7 ... song không xây dựng và giám sát nổi các tiêu chí của hệ thống, hoặc bị thất bại về mặt kinh doanh. Nhượng quyền kinh doanh cùng với các hình thức kinh doanh khác đã tạo nên một bức tranh sống động của nền kinh tế thế giới. Hình thành từ thế kỉ 19, hình thức này không ngừng được mở rộng, phát huy tính hiệu quả trong kinh doanh.

Tại Việt Nam, hình thức nhượng quyền kinh doanh hình thành vào những năm 90 của thế kỉ 20. Và trong những năm gần đây Việt Nam có những điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động kinh doanh với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trên 8%, một quốc gia có dân số trên 90 triệu người, tình hình kinh tế ổn định, nhà nước khuyến khích đầu tư, sức mua của thị trường được đánh giá là rất cao trên thế giới. Hơn nữa, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà kinh doanh cả trong và ngoài nước. Trong bối cảnh như vậy, rõ ràng việc quyết định lựa chọn hình thức kinh doanh nào đảm bảo cho nhà đầu tư có được hiệu quả tốt nhất về sử dụng vốn, phát triển nhanh thị trường, mở rộng nhanh thị phần và kiểm soát được hệ thống nhằm tạo được tiếng nói đối với thị trường là điều rất được quan tâm. Hình thức nhượng quyền kinh doanh sẽ là một sự lựa chọn cho cả người nhượng quyền và người nhận nhượng quyền. Nó sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam trong những năm tới.

. Hợp tác kinh doanh. Để mô hình kinh doanh phát triển, chúng ta cần tìm kiếm, hợp tác với nhiều cá nhân, tổ chức có năng lực. Họ sẽ đảm nhận một phần công việc và mang lại nhiều lợi ích hơn cho chúng ta.

Ngoài ra còn nhiều dịch vụ khác, trong quá trình thực hiện mô hình kinh doanh bạn phải suy nghĩ sáng tạo thêm ra.

- Khái niệm phục vụ khách hàng tốt bao gồm những hoạt động trước, trong và sau khi khách hàng mua sản phẩm hay sử dụng dịch vụ. Để phục vụ khách hàng tốt trước tiên người đứng đầu phải tự mình soạn ra một giáo trình huấn luyện nhân viên. Bên cạnh đó, khách hàng có quyền được biết những thông tin một cách đầy đủ về sản phẩm/dịch vụ mà họ sẽ sử dụng. Trong quá trình phục vụ khách hàng, nhân viên phải tỏ thái độ vui vẻ, hòa đồng, hòa nhã, thân thiện, lịch sự … Họ cũng cần học cách giải quyết các sự cố phát sinh. Gặp những sự cố mới phải báo cáo, xin ý kiến cấp trên. Những thông tin về khách hàng cần được sàng lọc, phân loại, lưu giữ để sử dụng sau này. Doanh nghiệp phải thường xuyên quan tâm đến khách hàng để thúc đẩy sức mua. Có thể nói hình ảnh (thương hiệu) của doanh nghiệp không chỉ thể hiện qua chất lượng sản phẩm/dịch vụ, mà còn thể hiện ở thái độ của nhân viên đối với khách hàng. Hãy nhớ: Làm vừa lòng khách hàng là cách hay nhất để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp!

- Cạnh tranh về thời gian để chiến thắng đối thủ! Bằng mọi cách chúng ta phải rút ngắn thời gian ở tất cả các công đoạn, thao tác … Đó không chỉ đơn thuần là vấn đề lợi ích của chúng ta và khách hàng mà còn để phát triển. Thời buổi này ai biết quí trọng thời gian người đó có cơ may đạt được mục đích của mình.

- Chúng ta sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng biết mà lựa chọn. Ví dụ, thành phần nguyên liệu, giá trị dinh dưỡng, tiêu chuẩn sản xuất (chế biến, đóng gói), thời hạn sử dụng, công dụng, cách dùng, bảo quản, trọng lượng, giá cả … Sẽ phát hành tờ rơi, sách báo … thường xuyên cho khách hàng biết. Tất cả nhân viên đều có khả năng hướng dẫn khách hàng lựa chọn sản phẩm/dịch vụ phù hợp nhu cầu của họ.

- Vấn đề bày trí cửa hàng tạp hóa là một vấn đề vô cùng quan trọng. Nó quyết định doanh thu, thậm chí thành bại trong công tác bán hàng. Sau đây tôi sẽ giới thiệu những lưu ý cần thiết trong bày trí điểm bán:

. Để khách hàng biết và nhớ đến điểm bán thì việc thiết kế biển quảng cáo, mặt tiền ấn tượng, phù hợp là rất quan trọng.

. Thiết kế nội thất bên trong cũng như sử dụng trang thiết bị, dụng cụ … gì phải phù hợp với loại hình kinh doanh. Tất cả phải phối hợp hài hòa với nhau để chuyển tải những thông điệp ý nghĩa đến khách hàng.

. Nếu không gian hẹp, hãy cân nhắc dùng tranh vẽ trên tường hay vật dụng có thể gấp nhỏ vào được để đỡ tốn diện tích.

. Khi trưng bày sản phẩm trong cửa hàng tạp hóa cần phải chú ý đến tính thẩm mĩ và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nghĩa là nên trưng bày sản phẩm trong tủ kiếng, có đồ đậy, cao ráo …

. Có thể trưng bày sản phẩm theo chủ đề. Các chi tiết trưng bày phải luôn xoay quanh chủ đề.

. Để khách hàng nhận biết ra từng chủng loại sản phẩm một cách nhanh nhất rất cần “ghi chủ đề” nổi bật tại nơi trưng bày sản phẩm. Có thể dùng giấy viết (đánh máy), có thể dùng mô hình … Hãy phát huy hết mức sức tưởng tượng của bạn, nhưng nhớ là không được vượt khỏi mục tiêu chính của việc trưng bày. Hãy thu hút khách hàng nhờ những kiểu trưng bày thật mới mẻ, sáng tạo và phá cách. Thay đổi hình thức trưng bày thường xuyên sẽ khiến cửa hàng tạp hóa của bạn luôn mới mẻ. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin về sản phẩm một cách đầy đủ là cách làm thể hiện tinh thần trách nhiệm. Thông tin về sản phẩm có thể được biên soạn ở tờ rơi, sách báo hay băng đĩa … Để kích thích nhu cầu của khách hàng cao hơn nữa nên biên tập sách báo, băng đĩa … hướng dẫn khách hàng sử dụng sản phẩm hàng ngày.

. Trưng bày sản phẩm trong điểm bán phải thật khoa học. Sản phẩm nào trước sau đó đến sản phẩm nào; sản phẩm nào ở trên, sản phẩm nào ở dưới; sản phẩm nào chính, sản phẩm nào phụ … Trong chiêu thức bán hàng có một chiêu thức làm mờ mắt khách hàng. Đó là cách thức trưng bày nhiều sản phẩm cùng loại ở một chỗ nhưng giá cả khác nhau để khách hàng có sự so sánh. Trong đống sản phẩm trưng bày có những sản phẩm giá cao ngất ngưởng nhưng thực tế chất lượng không hề khác những sản phẩm cùng loại. Đây là kiểu trưng bày để dẫn dụ khách hàng đưa ra quyết định mua hàng nhanh chóng đối với sản phẩm giá thấp hơn. Đôi khi cũng có khách hàng chơi ngông dính bẫy, nhưng đối tượng khách hàng này không nhiều.

. Tránh loè loẹt, nhiều chi tiết. Ít chi tiết trang trí rườm rà để khách hàng nhận ra chủ đề chính. Trưng bày lộn xộn với nhiều chi tiết thừa khiến khách hàng khó nhận ra mặt hàng đang cần giới thiệu.

. Tập trung vào sản phẩm. Sản phẩm cần được làm nổi bật nhất mới thu hút được sự chú ý của khách hàng. Nếu sản phẩm chỉ ở một góc nhỏ của nơi trưng bày nó cần được rọi nhiều ánh sáng. Nếu nơi trưng bày chú trọng vào hình ảnh/nhãn hiệu hơn sản phẩm thì ánh sáng cần được bố trí hài hoà.

. Xếp sản phẩm ấn tượng. Gây sự chú ý của người mua hàng bằng cách sắp xếp hài hoà các sản phẩm ở nơi trưng bày theo độ cao hoặc chiều sâu khác nhau để tạo được một tổng thể bắt mắt.

. Sử dụng công nghệ thông tin. Việc sử dụng công nghệ thông tin trong bán hàng là việc làm hết sức cần thiết. Ví dụ, khách hàng có thể chọn sản phẩm/dịch vụ trên màn hình máy vi tính. Sau khi đồng ý khách hàng điền thông tin vào phiếu mua hàng trong máy, hoặc liên hệ trực tiếp với nhân viên. Với cách làm này chúng ta có thể rút ngắn thời gian phục vụ, cắt giảm chi phí in ấn, giấy tờ … mà vẫn đạt được hiệu quả trong công tác phục vụ khách hàng.

. Trưng được hết hàng bán. Khách hàng càng nhìn thấy nhiều hàng, họ càng dễ vào mua. Bạn nên thiết kế cửa hàng tạp hóa thế nào để khách muốn tham quan hết mọi nơi hoặc sẽ quay lại lần sau nếu lần này không có thời gian. Việc bố trí hợp lí sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu này.

. Dành những chỗ ưu tiên nhất - nhiều khách qua lại nhất - cho những mặt hàng có lời nhất. Những mặt hàng đem lại lợi nhuận cao và những mặt hàng đem lại tâm lí muốn mua cho khách hàng dù không có nhu cầu nên được đặt ở những chỗ dễ thấy nhất.

. Hạn chế ăn cắp vặt. Để những đồ nhỏ bé, đắt tiền trong tủ kính có khóa, sử dụng gương lồi ở những góc khuất và lắp camera theo dõi. Bố trí không gian mở sẽ giúp nhân viên bán hàng quan sát được hết mọi động thái của khách hàng.   

. Có thể thay đổi linh hoạt cách bày trí. Muốn vậy các đồ dùng, vật dụng … trong cửa hàng tạp hóa của bạn phải dễ dàng dịch chuyển và điều chỉnh, vì thế hãy lưu ý khi thi công quầy kệ, chọn mua tủ đựng và các trang thiết bị khác.

. Xếp những dòng sản phẩm liên quan cạnh nhau. Ví dụ, cà vạt phải để gần quần áo, máy in phải để gần máy tính, lọ hoa phải để gần bông hoa ...

. Xếp những gian hàng liên quan gần nhau. Các gian hàng liên quan nên bố trí cùng một chỗ. Các gian hàng và chủng loại hàng cần có sự kết hợp hài hòa để tạo thuận lợi nhất cho khách hàng và kích thích mua chéo.

… ... ...

 

Mô hình hoạt động của chuỗi cửa hàng tạp hóa

Trụ sở điều hành: Có vai trò phát triển (mở rộng qui mô, bán lượng hàng lớn …) và điều hành chuỗi cửa hàng tạp hóa. Nó cũng chính là nơi tìm kiếm, thu mua hàng rồi phân phối cho chuỗi cửa hàng tạp hóa. Trụ sở điều hành quản trị website chung của chuỗi cửa hàng tạp hóa.

Cửa hàng thành viên: Có nhiệm vụ tự quản lí hoạt động buôn bán của mình. Mỗi cửa hàng thành viên có một website và đội ngũ nhân viên (bán tại cửa hàng, chào mời nơi khác, giao hàng thường xuyên …) riêng. Khách hàng của cửa hàng thành viên là những dân cư sinh sống ở khu vực lân cận.


- Qua mô hình tổ chức của dự án chuỗi cửa hàng tạp hóa ở dưới, có ba bộ phận trực thuộc sự quản lí của nhà đầu tư/chủ doanh nghiệp là bộ phận quản lí, bộ phận mua hàng và bộ phận bán hàng.

Bộ phận quản lí có 4 phòng trực thuộc là phòng nhân sự - kế toán, phòng kế hoạch – đào tạo, phòng thông tin – thiết bị, phòng R & D (nghiên cứu và phát triển). Bộ phận mua hàng có 2 phòng trực thuộc là phòng mua hàng và phòng vận chuyển. Bộ phận bán hàng có 2 phòng trực thuộc là phòng bán hàng, phòng hỗ trợ.

Phòng nhân sự - kế toán: Phụ trách mảng nhân sự, kế toán.

Phòng kế hoạch – đào tạo: Chịu trách nhiệm lên kế hoạch tất cả các việc cần làm trong tương lai, đặc biệt là kế hoạch mua hàng, bán hàng và đào tạo nhân viên, đặc biệt là nhân viên mua hàng, bán hàng.

Phòng thông tin – thiết bị: Tổng hợp, phân tích, lưu trữ thông tin về khách hàng; phát triển những phần mềm phục vụ cho công việc của tổ chức; quản trị website; cung cấp, bảo trì, sửa chữa, thanh lí … máy móc, thiết bị …

Phòng R&D: Chịu trách nhiệm nghiên cứu các phương pháp, chính sách, chiến lược … để giúp dự án phát triển.

Phòng mua hàng: Phụ trách mảng mua hàng.

Phòng vận chuyển: Phụ trách khâu vận chuyển.

Phòng bán hàng: Phụ trách mảng bán hàng.

Phòng hỗ trợ: Phụ trách mảng giao hàng, tiếp thị, quảng cáo, hậu mãi …

Mô hình tổ chức dự án chuỗi cửa hàng trong hẻm

Lưu ý: Mô hình trên chỉ là mô hình tóm tắt những yếu tố chính chứ không phải mô hình chi tiết. Trong quá trình thực hiện mô hình kinh doanh bạn cần thiết lập nhiều hạng mục cụ thể hơn để vận hành mô hình kinh doanh suôn sẻ.

…………….

Tôi cho rằng mỗi đất nước có đặc thù riêng. Mua hàng tại các cửa hàng tạp hóa đã trở thành thói quen tại các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. 32% người Việt Nam thích mua sắm tại cửa hàng tạp hóa, so với toàn cầu tỉ lệ này là 22%. Không phải ai cũng thích mua sắm tại siêu thị hoặc trung tâm thương mại. Đây là mô hình hiện đại, mang tính giải trí, đi chơi nhiều hơn … Tuy cửa hàng tiện lợi (của nước ngoài) có tiện lợi thật nhưng nó không thể thay thế cửa hàng tạp hóa ở nước ta được. Những siêu thị qui mô nhỏ như Co-op, Satra, Vinmart … sẽ không còn thích hợp vì giá cả cao, nằm ở đường lớn …, khách đông thì phục vụ không được tốt mà khách ít thì lãng phí mặt bằng. Siêu thị phải nằm ở những vị trí rộng rãi để đón lượng khách lớn như Metro, Aeon Mall, Lotte Mart … Nếu vẫn giữ tư duy cũ không chịu thay đổi thì tương lai những tập đoàn bán lẻ nước ngoài sẽ soái ngôi những “ông lớn” bán lẻ trong nước.

Theo nghiên cứu của tôi, mặc dù rất nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi … mọc lên như nấm nhưng khách hàng ở các khu dân cư vẫn chưa được phục vụ tốt. Các kênh bán hàng của những “ông lớn” vẫn để “lọt” một lượng khách hàng tiềm năng rất lớn. Minh chứng cho điều này là người dân vẫn phải ra chợ, cửa hàng tạp hóa (mà dân ta đang kinh doanh) mua đồ hàng ngày, mặc dù chúng còn yếu và thiếu nhiều thứ. Nhiều người sống ở TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Cần Thơ đến tiệm tạp hóa hai lần trong tuần bởi những nơi này gần nhà, tiết kiệm thời gian đi lại và không phải chờ đợi lâu. Dọc con đường nơi tôi sống có rất nhiều cửa hàng tạp hóa, cửa hàng thì chuyên bán rau, củ, quả, cửa hàng thì chuyên bán đồ khô … suốt ngày khách hàng ra vào tấp nập. Cửa hàng tạp hóa là kênh mua sắm chính ở thành thị, chiếm hơn 60% thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Mỗi hộ trung bình mua sắm ở nơi này hai lần/tuần. Trong khi đó, đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại đứng ở những vị trí kế tiếp. Khoảng 3 tuần, các gia đình mua sắm một lần. Một năm, người tiêu dùng chi khoảng 8,85 triệu đồng cho cửa hàng tạp hóa, các kênh mua sắm hiện đại là 3 triệu đồng và tại chợ ước khoảng 2,5 triệu đồng. Siêu thị, cửa hàng tiện lợi … đều có những khiếm khuyết như giá cao, xa khu dân cư, không bán đủ các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân (đồ thực phẩm chế biến sẵn chẳng hạn) … nên người dân vẫn chưa mặn mà lắm với những mô hình này. Chợ thì bầy hầy, hàng hóa không nguồn gốc, cung cách phục vụ kém … . Người bán dạo thì nói thách, cân thiếu, gian dối … Với mô hình cửa hàng tạp hóa (tôi đưa ra) sẽ giúp bạn “thâu tóm” toàn bộ khách hàng tiềm năng ở các khu dân cư. Nếu bạn điều hành mô hình kinh doanh này hiệu quả (đánh mạnh vào những mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân) bạn sẽ là người thống trị thị trường hàng tiêu dùng trong tương lai.

 
NHỮNG LƯU Ý TRƯỚC KHI THỰC HIỆN

+ Để thành công bạn cần chuẩn bị kĩ càng trước khi khởi nghiệp. Một trong những công việc bạn cần đầu tư kĩ lưỡng, bài bản là bản kế hoạch kinh doanh. Không có kế hoạch trước khi làm bất cứ điều gì bạn cũng khó thu lại kết quả cao. Khi bắt tay vào hoàn thiện bản kế hoạch kinh doanh của mình, bạn cần phải:

  • Liệt kê cụ thể những đối thủ cạnh tranh ở nơi bạn kinh doanh. Đó là những đối tượng cụ thể nào? Lập bảng so sánh điểm mạnh, điểm yếu của họ so với mô hình kinh doanh của bạn, để từ đó hoạch định ra sách lược đánh bại họ.
  • Liệt kê cụ thể những nhà cung cấp và những thông tin liên quan đến họ (ở đâu, cung cấp gì, kĩ thuật sản xuất ra sao, tiêu chuẩn chất lượng thế nào …?).
  • Lên danh sách tuyển dụng những người phù hợp.
  • Lên danh sách những nguồn lực tài chính. Chúng hiện có bao nhiêu? Và cách để huy động chúng? …
  • Lên danh sách những nguồn lực. Chúng là gì? Có bao nhiêu? Hiện trạng thế nào? …
  • Bạn cần soạn ra chính sách, lập ra sơ đồ quản lí nhân viên.
  • Bạn cần soạn ra chính sách đãi ngộ nhân viên. Lương? Ngoài giờ? Phụ cấp? Thưởng? Hỗ trợ? Phải thật cụ thể.
  • Bạn cần soạn ra những qui định làm việc: Giờ giấc? Đồng phục? Trang thiết bị? Thậm chí soạn cả những qui định chi tiết trong từng công việc cụ thể.

+ Để thực hiện mô hình kinh doanh này cần có mặt bằng thuận lợi, có thể mặt bằng đó là của bạn hoặc bạn đi thuê nhưng bạn phải chú ý về vị trí của nó. Vị trí mặt bằng có ý nghĩa vô cùng quan. Mặt bằng bất lợi sẽ khiến bạn phải “lao tâm khổ trí” mà doanh thu vẫn thấp, thậm chí không thể tồn tại lâu dài.

+ Phải tính toán được mức độ đầu tư, khả năng, thời gian hoàn vốn trước khi bỏ tiền ra. Không tính toán được những yếu tố này mà bỏ tiền khả năng thất bại sẽ rất cao.

+ Đối với mô hình này bạn phải có số vốn khá lớn mới khởi nghiệp được. Nên dùng những đồng vốn để dành của mình để kinh doanh nhằm giảm áp lực về nợ nần ở buổi đầu khởi nghiệp.

+ Chú trọng xây dựng thương hiệu ngay từ đầu. Xây dựng thương hiệu ở đây phải hiểu là xây dựng hình ảnh tổ chức từ những điều nhỏ nhất. Xây dựng thương hiệu phải gắn liền với xây dựng văn hóa tổ chức. Khi xây dựng thương hiệu, bạn phải làm cho khách hàng nhận ra bạn là ai, thế mạnh của bạn là gì (bạn đem lại lợi ích gì cho khách hàng mà những đối thủ khác không bằng bạn). Nói chung, bạn phải làm nổi bật thương hiệu của bạn trong tâm trí khách hàng ở những “điểm nhấn” do chính bạn tạo ra. Bạn nên định vị thương hiệu dựa vào những gợi ý dưới đây:

  • Sản phẩm/dịch vụ của bạn đem đến cho khách hàng lợi ích gì?
  • Bạn phục vụ khách hàng như thế nào?
  • Khách hàng cảm nhận được điều gì khi đến với bạn?

+ Để giảm chi phí, tôi khuyến khích bạn phát huy thế mạnh từ những gì mình có; tìm những giải pháp tiết kiệm mọi thứ ngay từ đầu.

+ Chú ý kết nối với nhiều cá nhân, tổ chức để lấy đơn hàng. Bạn cũng nên dành nhiều ưu đãi cho khách hàng sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn nhiều lần.

+ Theo thời gian các yếu tố như nhu cầu, tâm lí … của khách hàng thay đổi, bạn cần biết thay đổi cho phù hợp. Luôn luôn nghiên cứu phát triển thì sự nghiệp của bạn mới trường tồn.

+ Kinh doanh mô hình này phải có lương tâm. Đó là thứ giúp bạn trường tồn. Chính vì vậy, bạn nên chọn những phương pháp đúng đắn, sản phẩm chất lượng. Chú trọng an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho khách hàng. Tuyệt đối không chơi trò “bẩn thỉu”. Công bằng với khách hàng thì họ mới tín nhiệm bạn.

+ Phải hiểu rõ nguồn lực của mình, đặt ra mục tiêu rõ ràng mà mình có thể đạt được, sau đó phân bổ nguồn lực của mình vào từng công việc cụ thể một cách hợp lí.

+ Để mô hình kinh doanh phát triển, ngay từ đầu phải chuẩn hóa tất cả các công việc.

+ Tạo những nền tảng vững chắc ngay từ đầu để tổ chức phát triển lâu dài. Ví dụ:

  • Tìm kiếm, tạo ra nguồn nhân lực tốt nhất.
  • Tìm kiếm, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất … tốt nhất phục vụ mô hình kinh doanh. Đầu tư vào các mô hình phục vụ trực tiếp và hỗ trợ gián tiếp mô hình kinh doanh này. Ngoài ra còn tăng cường đầu tư ngoài ngành để tài chính vững chắc.
  • Tìm kiếm, nghiên cứu, đầu tư vào nhân tài, công nghệ, sản phẩm, dịch vụ để luôn là người dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình.

+ Có thể chọn ra một hoặc một số sản phẩm bán với giá rất thấp (thậm chí huề vốn hoặc dưới giá vốn) để lôi kéo khách hàng đến mua hàng tại cửa hàng tạp hóa. Với chiêu thức này, khách hàng sẽ có ấn tượng tốt về cửa hàng tạp hóa, từ đó hình thành trong họ thói quen mua hàng tại cửa hàng tạp hóa thường xuyên hơn.

+ Đặt ra chỉ tiêu, lập ra kế hoạch, đưa ra phương pháp, hoạch định chiến lược, chuẩn bị nguồn lực, đầu tư kĩ càng … trước khi bán hàng. Chú trọng tìm kiếm, bồi dưỡng, đãi ngộ … đội ngũ bán hàng để tổ chức ngày càng phát triển.

+ Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh của tổ chức. Phải coi trọng hoạt động quảng bá và phải quảng bá tích cực, thường xuyên. Bên cạnh đó, bạn còn phải liên tục áp dụng các chương trình khuyến mãi. Làm sao để tổ chức của bạn có thể phục vụ được nhiều người là bạn thành công.

+ Trong buổi đầu khởi nghiệp bạn chú ý áp dụng 3 chính sách sau:

  • Tập trung phục vụ tốt khách hàng ở nơi kinh doanh.
  • Ưu tiên phát triển những sản phẩm/dịch vụ có thể phục vụ tốt nhu cầu nhiều đối tượng, sau đó mới phát triển những sản phẩm/dịch vụ chuyên biệt.
  • Phát triển đội ngũ bán hàng trực tiếp tấn công thị trường.

+ Để có thể trả lời được câu hỏi “Ngân sách marketing bao nhiêu?”, bạn cần phải liệt kê chi tiết mọi thứ, sau đó phân tích kĩ lưỡng trước khi quyết định. Trách nhiệm này thuộc về người đứng đầu doanh nghiệp.

Chủ doanh nghiệp giỏi sẽ trả lời được những câu hỏi:

  • Cần chi ở đâu? Hãy xác định những “điểm chi” hiệu quả và chỉ chi cho những “điểm chi” đó! Thậm chí tìm ra cách để không phải chi.
  • Chi bao nhiêu?
  • Chi như thế nào (lập kế hoạch chi)?

+ Dựa vào sách lược marketing đưa ra, bạn bắt đầu lên kế hoạch marketing cụ thể. Đầu tiên doanh nghiệp làm gì, sau đó làm gì nữa, chi phí cho những công việc ấy bao nhiêu …?

Marketing về cái gì? Ở đâu? Ra sao? Ba nguyên tắc cơ bản cần nắm trước khi lập một kế hoạch marketing là: Segment (phân loại khách hàng); Target (chọn khách hàng mục tiêu); Position (định vị thương hiệu của bạn trong tâm trí khách hàng). Khách hàng phải là điểm xuất phát đồng thời là điểm cuối cùng của mọi hoạt động marketing.

Nên lập kế hoạch marketing dựa theo 4P (Product (sản phẩm), Price (giá cả), Place (địa điểm), Promotion (xúc tiến)). Sản phẩm/dịch vụ là cái bạn định đem bán. Nó như thế nào? Giá cả là số tiền bạn mong muốn khách hàng trả khi mua sản phẩm/dịch vụ của bạn. Để định giá sản phẩm/dịch vụ bạn phải nắm được nhiều vấn đề, trong đó có 3 vấn đề cơ bản là chi phí bạn phải bỏ ra, mức giá khách hàng chấp nhận, giá bán của các đối thủ. Giá bán sản phẩm/dịch vụ của bạn có cạnh tranh nổi với giá bán sản phẩm/dịch vụ của các đối thủ? Tại sao họ bán giá rẻ hay đắt hơn bạn? Địa điểm là nơi diễn ra hoạt động kinh doanh. Liệu địa điểm diễn ra hoạt động kinh doanh có đem lại hiệu quả kinh doanh như mong đợi? Nếu khách hàng ở xa thì bạn có giao hàng đến tay họ hay không? Xúc tiến là hoạt động lôi kéo khách hàng mua hàng của bạn. Bạn có những hoạt động xúc tiến nào để lôi kéo khách hàng?

+ Bạn hãy lên kế hoạch bán hàng dựa vào những câu hỏi dưới đây:

  • Mục tiêu của bạn là gì?
  • Bạn sẽ triển khai bao nhiêu kênh bán hàng, điểm … bán hàng? Ví dụ: Mở điểm bán, lập trang web …
  • Những kênh bán hàng, điểm … bán hàng đó được triển khai cụ thể ra sao? Ví dụ: Làm cái gì? Tuyển những ai? Đào tạo ra sao? …
  • Trong thời gian bao lâu (đưa ra các mốc thời gian cụ thể cho từng công việc cụ thể)?
  • Chi phí để triển khai các công việc cụ thể?
  • Những hoạt động hỗ trợ bán hàng?
  • Cách thức phòng ngừa rủi ro?

+ Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho những người khởi nghiệp thất bại là không quản lí tài chính chặt chẽ. Muốn quản lí tài chính chặt chẽ bạn phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Trước khi chi tiêu bạn phải lập ra kế hoạch chi tiêu. Trong kế hoạch chi tiêu bạn phải trả lời được các câu hỏi: Chi tiêu vào cái gì? Tại sao lại chi tiêu vào cái đó? Có cách nào để không chi tiêu vào cái đó mà vẫn đạt được mục tiêu hay không? Nếu phải chi tiêu vào cái đó thì cách thức chi tiêu nào là tối ưu? Làm sao chi tiêu không gặp rủi ro, thu hồi được vốn và sinh lợi? Chi lúc nào? Chi bao nhiêu?
  • Khi đồng tiền chạy đến tay bạn phải lập ra kế hoạch quản lí đồng tiền sao cho không thất thoát. Trong kế hoạch quản lí đồng tiền bạn phải trả lời được các câu hỏi: Tại sao phải quản lí đồng tiền? Quản lí đồng tiền như thế nào, bằng phương pháp nào? Làm sao để quản lí đồng tiền không gặp rủi ro?
  • Cuối cùng, bạn phải có kế hoạch tái đầu tư đồng tiền sao cho hiệu quả. Bạn phải lập ra kế hoạch đầu tư đồng tiền. Trong kế hoạch đầu tư đồng tiền bạn phải trả lời được các câu hỏi: Đầu tư vào cái gì? Tại sao lại đầu tư vào cái đó (nếu đầu tư vào cái đó mà không đem lại hiệu quả sẽ không đầu tư nữa)? Làm sao đầu tư không gặp rủi ro, thu hồi được vốn và sinh lợi tối ưu? Đầu tư lúc nào? Đầu tư bao nhiêu?

*Bạn nào quan tâm đến Ý tưởng này, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ email: contact@anastar.vn | anastar1512@gmail.com hoặc số điện thoại: 0928.53.80.89 | 0389.35.79.85 để biết thêm chi tiết! Hoặc cách khác, bạn cũng có thể gửi câu hỏi / yêu cầu cụ thể qua Bản đăng kí sau đây: http://bit.ly/TuVanKhoiNghiep

Chúc các bạn những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống!

Bài liên quan:

>> Ý tưởng siêu thị mẹ và bé (SNYT 30)

BÌNH LUẬN BẰNG MAIL

BÌNH LUẬN FACEBOOK